TRÀO LƯU TRANG SỨC E-WASTE: CỨU TINH CHO THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ HẾT THỜI

TRÀO LƯU TRANG SỨC E-WASTE: CỨU TINH CHO THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ HẾT THỜI

Tốc độ đào thải các thiết bị điện tử ngày càng nhanh góp phần vào tiến trình ô nhiễm điện tử của Trái Đất. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ “ấm lòng” hơn đôi chút khi biết rằng rác thải điện tử nay đã có nhiều ứng dụng hơn trong ngành trang sức.

Đầu tháng 4/2023, thương hiệu trang sức cao cấp Oushaba vừa cho ra mắt một BST trang sức từ linh kiện điện tử. Không chỉ riêng Oushaba mà nhiều thương hiệu thời trang trên thế giới cũng đã bắt đầu sử dụng các vật liệu được tái chế từ chất thải điện tử.

Vậy xu hướng sản xuất xanh này có ứng dụng và ý nghĩa như thế nào đối với ngành thời trang?

Thời trang E-waste là gì và có nguồn gốc từ đâu?

E-waste, hay còn gọi là electronic waste - chất thải điện tử, là chất thải được tạo ra từ các thiết bị điện tử không còn được sử dụng do hỏng hóc, sản xuất thừa hoặc đã lỗi thời.

Lịch sử của thời trang E-waste có thể bắt nguồn từ đầu những năm 2000 khi một số nhà thiết kế bắt đầu thử nghiệm tái sử dụng rác thải điện tử thành quần áo và phụ kiện. Tuy nhiên lúc này sản phẩm chỉ là những thử nghiệm khá hạn chế.

Năm 2010, nhà thiết kế người Hà Lan Christiaan Maats đã thành lập thương hiệu thời trang bền vững OAT Shoes. Nơi đây sử dụng chai nhựa bỏ đi và các vật liệu tái chế khác để tạo ra giày dép, bao gồm một dòng giày thể thao làm từ các bộ phận điện thoại di động tái chế.

"Garbage watch" từ Vollebak | Nguồn: Vollebak

Ngoài ra, nhiều thương hiệu khác cũng quan tâm đến E-waste. Gomi - một thương hiệu có trụ sở tại Vương quốc Anh tạo ra loa và phụ kiện bền vững được làm từ rác thải điện tử như túi nhựa bỏ đi và pin máy tính xách tay cũ. Vollebak sáng tạo những chiếc jacket thể thao làm từ rác thải như lò vi sóng cũ, TV và máy tính.

Hiện tại, các cách tiếp cận phổ biến với nguyên liệu E-waste là sử dụng các linh kiện điện tử chẳng hạn như bảng mạch, dây điện và chip, để trang trí trên quần áo và phụ kiện. Những vật liệu này có thể được tạo khuôn, tạo hình và kết hợp vào các thiết kế theo những cách sáng tạo để tạo ra những tác phẩm độc đáo và nổi bật.

Các chất liệu cho thời trang E-waste được làm như thế nào?

Có nhiều cách để tái chế từ các thiết bị điện tử, phổ biến nhất hiện nay là tái chế vàng từ linh kiện điện tử. Những chiếc máy tính xách tay hoặc điện thoại bỏ đi thực chất lại là một nguồn nguyên vật liệu quý giá, bởi ta có thể tách lấy vàng và bạc từ các bo mạch điện tử.

Darrel Ward, phó chủ tịch cấp cao về giải pháp khách hàng thương mại của Dell, ước tính lượng vàng trong một tấn bo mạch điện tử nhiều gấp 800 lần so với lượng vàng trong một tấn quặng khai thác từ tự nhiên.

Ngoài ra, các đoạn dây điện bị loại bỏ cũng có thể được dệt thành trang phục và phụ kiện thời trang cao cấp. 

Các thiết bị điện tử sẽ trở thành một nguồn tài nguyên vô giá nếu như biết cách tận dụng. Công ty Enviro-Hub - một tổ chức chuyên về rác thải điện tử - đã tiến hành xử lý rác thải kim loại và nhựa để chế tạo mạch điện tử được tái sử dụng trong các phụ kiện, trang phục và quần áo thông minh.

Các vật liệu được công ty xử lý có thể kể đến kim loại màu và kim loại màu, nhựa kỹ thuật và hóa chất. Họ cũng luyện đồng và biến chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu được dùng cho quá trình sản xuất về sau.

Tác động của E-waste đến thời trang bền vững ra sao?

Theo Liên Hợp Quốc, trong năm 2021, mỗi người trên Trái Đất đã thải ra trung bình 7,6kg chất thải điện tử, đồng nghĩa với việc chúng ta đã thải ra 57,4 triệu tấn rác thải khắp thế giới - một con số khổng lồ. Chỉ 17,4% chất thải điện tử này, đã được ghi nhận là được thu gom, xử lý và tái chế đúng cách.

Vậy nên, thời trang E-waste là một bước tiến tự nhiên trong quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững, thân thiện với môi trường. Giảm thiểu rác thải điện tử giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm lượng năng lượng tiêu hao.

Chẳng hạn, nếu chọn tái sử dụng kim loại quý và nhựa trong điện thoại di động cũ thay vì sản xuất hoặc khai thác thêm, ta sẽ tiết kiệm năng lượng tương đương với việc cắt điện 24.000 hộ gia đình ở Mỹ trong một năm.

Tái chế nguyên liệu bạc, đồng, vàng giúp hạn chế ô nhiễm môi trường | Nguồn: Pandora

Vào năm 2020, thương hiệu trang sức Pandora đã cam kết sử dụng 100% các nguyên liệu vàng và bạc được tái chế từ các thiết bị điện tử. Công ty cho biết việc chuyển từ kim loại nguyên chất một phần sang kim loại tái chế 100% sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong lượng khí thải carbon.

Theo Pandora, việc làm này sẽ giúp giảm lượng khí thải CO2, lượng nước và hạn chế các tác động tiêu cực khác đến môi trường. Tái chế kim loại sử dụng ít tài nguyên hơn so với khai thác kim loại mới. Cụ thể, việc chiết xuất bạc từ đồ điện tử chỉ thải ra một phần ba lượng khí CO2 so với khi khai thác bạc.

Nhưng liệu chúng có khó ứng dụng hay không?

Đối với trang sức, việc tái chế kim loại như vàng hoặc bạc đã dần trở thành một tiêu chuẩn mới trong ngành. Vì vậy, chất lượng của vật liệu tái chế hoàn toàn giống như bạc hoặc vàng mới được khai thác từ thiên nhiên. Các thương hiệu từ lớn đến nhỏ như Pandora, Lylie, Royal Mint, AuTerra,... đã ứng dụng thành công vật liệu tái chế để tạo ra các dòng trang sức vẫn giữ được tinh thần của thương hiệu, với chất lượng không có sự khác biệt so với các vật liệu truyền thống.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu đã sáng tạo hơn khi ra mắt bộ sưu tập với các thiết kế như bảng mạch điện thoại di động, USB, phích cắm cũng như cáp sạc được làm bằng kim cương, ngọc lục bảo, ngọc bích và hồng ngọc có nguồn gốc bền vững. Những thiết kế độc đáo này mang hơi thở của tương lai, như mở ra một kỉ nguyên mới của vật liệu điện tử tái chế.

Nguồn: Vietcetera

← Bài trước Bài sau →
back to top