Làm sao để chọn trang sức ngọc trai như ý?

Làm sao để chọn trang sức ngọc trai như ý?

Theo người Phương Đông, ngọc trai là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi nên thường được các cô dâu đeo trong ngày cưới, cũng như thường được làm quà tặng cho đám cưới. Và ngọc trai cũng là một loại trang sức quý giá được nhiều người ưa chuộng từ xưa đến nay.

Ngọc trai khác hoàn toàn với các loại trang sức đá quý khác vì nó được sinh ra từ một sinh vật sống, con trai tiết ra chất xà cừ bao bọc lấy một vật lạ khi rơi vào cơ thể, từ đó ngọc được hình thành. Thành phần chủ yếu của ngọc trai là lớp xà cừ Carbonate Calcium chiếm hơn 90%, phần còn lại là nước và các hợp chất hữu cơ tạo ra sự sống cho viên ngọc trai. Cấu trúc lớp xà cừ được tạo bởi hàng nghìn những lớp tinh thể Carbonate Calcium mỏng, cấu trúc này có ảnh hưởng tới màu sắc, độ ánh, tính bền vững và đàn hồi của ngọc trai tạo ra cho viên ngọc trai một màu sắc đặc trưng rất sống động.

Người ta ví ngọc trai như biểu tượng của sự tinh khiết, lung linh tỏa sáng.

Ngoài ra, ngọc trai còn là hiện thân của vị thần tình yêu, mang lại những điều may mắn, sự thấu hiểu trong tâm hồn và sự cân bằng cảm xúc.

Cách nhận biết ngọc trai

Ngọc trai là một trong những món quà đẹp nhất của đại dương. Nếu bạn đang nghĩ đến việc mua đồ trang sức ngọc trai hoặc có một món đồ gia truyền của gia đình làm bằng ngọc trai, điều quan trọng là biết đó có phải là ngọc trai hay không. Ngọc trai ngày nay có cả ngọc trai biển tự nhiên và ngọc trai nuôi (hoặc nuôi cấy) ở biển hay ở sông hồ.

Trong bài viết này, Kya Jewel tư vấn một số cách để giúp bạn nhận biết ngọc trai như sau:

Các khiếm khuyết nhỏ của viên ngọc trai - Minor imperfections of pearl

Ngọc trai tự nhiên hiếm khi "hoàn hảo" mà chúng có các khiếm khuyết hay bất thường nhỏ về hình dạng. Trên các phần của viên ngọc trai, lớp vỏ xà cừ bên ngoài cũng phản chiếu ánh sáng khác nhau. Hầu hết ngọc nhân tạo luôn "quá hoàn hảo", có dạng hình cầu tròn tuyệt đối và có độ sáng bóng đồng đều trên toàn bề mặt, không có vết lõm hay bất kì khuyết điểm nào. Mặc dù rất hiếm nhưng vẫn có các viên ngọc trai tròn tuyệt đối, nhưng không thể có chuyện một sợi dây chuyền được làm từ tất cả các viên ngọc trai có độ tròn hoàn hảo như nhau.

Nếu bạn thấy bất kì sợi dây nào có các viên ngọc trai sáng bóng và tròn đều y hệt nhau thì gần như chắc chắn đó là hàng nhân tạo.

Kiểm tra các viên ngọc trai có tròn hoàn hảo hay không

Vì là một sản phẩm của tự nhiên nên mỗi viên ngọc trai đều khác nhau. Điều này giống như bông tuyết và dấu vân tay. Hầu hết ngọc trai không có dạng hình cầu hoàn hảo mà chúng hơi thuôn hay có các dị tật nhỏ, vết lõm. Nếu bạn thấy ngọc trai của mình tròn một cách hoàn hảo thì rất có khả năng đó là nhân tạo.

Ngọc trai có khả năng tròn hoàn hảo nhưng các trường hợp như vậy "rất" hiếm và thường được bán với giá rất cao. Đó là lý do chúng ta có những món trang sức ngọc trai đáng giá hàng triệu đollar.

Bạn muốn biết viên ngọc trai có tròn hoàn hảo hay không? Hãy cẩn thận lăn viên ngọc trai trên một bề mặt phẳng và nhẫn, nên nhớ nếu hình dạng không tròn tuyệt đối thì viên ngọc trai không thể lăn theo một đường thẳng.

Hình dạng ngọc trai - Pearl shape

Một chuỗi ngọc trai trông tròn khi bạn đeo chúng nhưng thật ra chúng hơi khác nhau về kích thước và hình dạng. Hiếm khi chúng hoàn toàn tròn nên không thể có một chuỗi ngọc trai mà các viên ngọc trai hoàn toàn tròn, cùng kích thước và hình dạng chính xác như nhau.

Bề mặt ngọc trai - Pearl surface

Ngọc trai có xu hướng không được hoàn hảo trên bề mặt và có thể có các hột nổi như da gà hay các lỗ nhỏ hoặc một nhược điểm nào đó. Đối với ngọc trai chất lượng tốt thì các nhược điểm sẽ là rất nhỏ, và gần như khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Dùng kính hiển vi tìm cấu trúc bề mặt có vảy. Bạn có thể dùng loại kính lúp của thợ kim hoàn có độ phóng đại 30 lần, nhưng tốt nhất là nên dùng các kính hiển vi có độ phóng đại từ 64 lần trở lên. Bề mặt ngọc trai có dạng vảy như mê cung, tổng thể trông giống như một bản đồ địa hình. Chính cấu trúc dạng vảy này tạo ra lớp mặt "hơi nhám" của ngọc trai.

Ngược lại, ngọc nhân tạo thường có bề mặt cấu tạo từ các chỗ lồi lõm tương đối đồng đều, hơi giống bề mặt mặt trăng có nhiều hố lõm.

Độ bóng ngọc trai - Pearl luster

Các thợ kim hoàn thường dùng từ "độ bóng" hay "nước" để mô tả thứ ánh sáng phản chiếu từ các loại đá quý. Độ bóng chính là một yếu tố khiến ngọc trai đẹp lung linh vì vậy ngọc trai tốt phải có độ bóng sáng và sắc nét, làm chúng có khả năng phát sáng khi ánh sáng chiếu vào. Nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt ngọc trai. Độ bóng hay nước ngọc trai cảm nhận rất mượt mà. Màu ngà của viên ngọc trai rất đẹp nên người xưa có câu ”trong ngọc trắng ngà”.

Yếu điểm của phương pháp kiểm tra này là không phân biệt được ngọc trai chất lượng thấp, vì chúng có độ bóng mờ, xỉn màu giống như hàng nhân tạo.

Quan sát lỗ khoan ngọc trai - The drill hole of pearl

Mép lỗ khoan sắc cạnh. Ngọc trai thường có lỗ khoan rất sắc cạnh (giống như hình trụ rỗng), xung quanh lỗ khoan ngọc trai nhìn sắc nét, mịn màng và trơn tru.

Trong khi đó ngọc nhân tạo (imitation pearls) có mép gồ ghề hay được bo tròn, lỗ khoan có thể có mép cong vồng hướng ra mặt ngoài, vết sơn hay lớp phủ sứt mẻ xung quanh lỗ. Trong quá trình sử dụng các hạt ngọc va chạm với nhau và khiến lớp phủ bên ngoài bị bong tróc xung quanh lỗ khoan. Nếu bạn có thể thấy được các mảng thủy tinh hay nhựa ở bên dưới thì chắc chắn đó là ngọc nhân tạo.

Tuy nhiên, một số các viên ngọc trai dùng lâu ngày, đã cũ và mòn nhiều cũng có thể có mép bo tròn.

Cà các viên ngọc trai với nhau

Dùng ngón tay giữ các viên ngọc trai và nhẹ nhàng cà chúng vào nhau, khi đó bạn hãy cố cảm nhận sự ma sát rất nhỏ giữa chúng. Ngọc trai thường sẽ tạo ra lực ma sát nhỏ khi cà vì các lớp xà cừ ngoài cùng không phẳng mịn hoàn toàn. Ngược lại, ngọc nhân tạo sẽ có lớp phủ ngoài cùng rất mịn nên chúng sẽ trượt trên nhau khi bị cà sát.

Nhìn kỹ hai bàn tay sau khi làm thí nghiệm. Khi cà sát hai viên ngọc trai, lớp vỏ bên ngoài sẽ bị mài mòn một chút, vì vậy bạn sẽ thấy có một ít bột trắng mịn là bột xà cừ của ngọc trai. Lau bụi đi, bề mặt của ngọc trai không thay đổi; bởi vì ngọc trai được hình thành bởi các lớp xà cừ tích tụ trong thời gian dài.

Chà sát viên ngọc trai vào các răng ở phía trước hàm

Giữ chặt hai hoặc ba viên ngọc trai bằng ngón tay trỏ và ngón cái, sau đó ép nhẹ chúng lên cạnh sắc của các răng phía trước hàm, hãy nhớ cà qua lại theo hướng hai bên. Ngọc trai luôn có lớp mặt "hơi thô hay nhám", đó là do các khiếm khuyết rất nhỏ có dạng vảy trên lớp xà cừ ngoài cùng. Các loại ngọc trai nhân tạo làm từ thủy tinh hay nhựa thường sẽ có bề mặt "phẳng gần như hoàn hảo".

Bạn nên đánh răng trước khi làm thí nghiệm này để chắc chắn răng đã sạch hoàn toàn, vì thức ăn dư dính trên răng có thể cho kết quả sai.

Cắn nhẹ viên ngọc trai với một áp lực nhỏ. Ngọc trai có cấu trúc chắc chắn với lớp xà cừ dày hơn nên sẽ không bị hư hại bởi một lực nhỏ. Nếu bị trầy xước, bong tróc lớp phủ là ngọc nhân tạo.

Cảm nhận độ mát khi sờ

Đối với phương pháp này bạn cần để viên ngọc trai bên ngoài một thời gian, không thử với các viên mà bạn đang đeo. Hãy giữ các viên ngọc trai trên tay và tập trung cảm nhận khi da tay tiếp xúc với chúng. Bạn sẽ cảm thấy mát rất rõ nếu chúng là ngọc trai, trước khi trở nên ấm hơn sau vài giây. Cảm giác này cũng giống như khi bạn bước chân trần trên nền đá cẩm thạch.

Trái lại, ngọc làm bằng nhựa luôn có nhiệt độ tương đương nhiệt độ phòng và ấm lên rất nhanh. Ngọc nhân tạo làm bằng thủy tinh chất lượng tốt cũng cho cảm giác "mát", vì vậy hãy so sánh với kết quả của các phương pháp thử khác nếu đây là cách kiểm tra đầu tiên.

Cảm nhận trọng lượng viên ngọc trai khi cầm trên tay

Cẩn thận tâng nhẹ một hoặc hai viên ngọc trai trên tay để biết chúng nặng cỡ nào. Hầu hết ngọc trai thường cảm thấy khá nặng so với kích thước của nó, ngược lại hàng nhân tạo (đặc biệt nếu làm bằng nhựa) có cảm giác nhẹ không đáng kể.

Phương pháp này không hoàn hảo vì một lý do rất dễ hiểu, không dễ dàng gì để bạn đánh giá khối lượng của vài viên ngọc trai nhỏ. Nếu muốn có kết quả chính xác hơn bạn nên so sánh khối lượng các viên ngọc trai của mình với các viên khác mà bạn "biết" là ngọc trai nuôi hay ngọc nhân tạo. Cho dù có chắc chắn cỡ nào về khối lượng một viên ngọc trai thì bạn vẫn nên xác nhận kết quả đó với các phương pháp kiểm tra khác.

Carmen

← Bài trước Bài sau →
back to top